Gợi ý 4 cách mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1

Bài thi IELTS Speaking Part 1 được đánh giá là tương đối dễ bởi các chủ đề thường xoay quanh những tình huống quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, phần trả lời của thí sinh không chỉ dừng ở việc trả lời trực tiếp mà còn cần được mở rộng thêm. Điều này gây khó khăn cho nhiều thí sinh vì họ thường có thói quen trả lời ngắn gọn theo cấu trúc câu hỏi và thiếu ý tưởng để trình bày. Bài viết sẽ giới thiệu 4 cách giúp thí sinh mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1. Việc nắm vững các cách phát triển ý này sẽ hỗ trợ thí sinh mở rộng câu trả lời một cách tự nhiên, đồng thời đảm bảo có bố cục rõ ràng trong phần thi này.

Giới thiệu IELTS Speaking Part 1

Bài thi IELTS Speaking kéo dài trong khoảng từ 11-14 phút và sẽ có 3 phần thi: part 1, part 2 và part 3. Và part 1 sẽ là phần thi đầu tiên của thí sinh khi bước vào phần thi nói của mình với hình thức giao tiếp trực tiếp với giám khảo. Phần thi này sẽ tập trung vào khả năng giao tiếp hằng ngày qua những chủ đề quen thuộc trong đời sống của thí sinh như công việc, quê hương, sở thích,…

Vì là chủ đề quen thuộc và hầu hết mang tính cá nhân, thí sinh không cần sử dụng văn phong hùng biện hay học thuật vào bài thi Speaking part 1. Thay vào đó, thí sinh nên thoải mái và trả lời đặt trọng tâm về quan điểm và ý kiến của bản thân.

Tại sao nên mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1

Việc mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1 là việc rất quan trọng vì đối với tiêu chí Fluency and Coherence (Trôi chảy và mạch lạc), nếu thí sinh muốn đạt từ band 6 trở lên thì câu trả lời phải có mạch nói và độ dài nhất định trong các câu trả lời.

Ngoài ra, việc triển khai thêm ý tưởng trong phần thi này sẽ tạo cơ hội để thí sinh sử dụng được đa dạng, linh hoạt từ vựng liên quan đến chủ đề và các cấu trúc câu. Đây là những đặc điểm có trong tiêu chí Lexical Resource (vốn từ vựng) và Grammatical range and accuracy (Sự đa dạng và chính xác của các điểm ngữ pháp). Vì vậy, việc đưa thêm ý tưởng để mở rộng câu trả lời sẽ giúp giám khảo có đủ tư liệu để có thể chấm điểm và đánh giá phần thi nói của thí sinh.

Các cách mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1

Đối với IELTS Speaking Part 1, một câu trả lời thường từ 2 đến 3 câu và cấu trúc để có thể sử dụng ở phần thi này sẽ là: Direct answer (thông tin trực tiếp) + Additional information (thông tin bổ sung).

Trong đó, với phần Direct answer, thí sinh sẽ đưa câu trả lời trực tiếp của bản thân về vấn đề, sự vật vừa được hỏi. Và với phần Additional information, thí sinh sẽ đưa ra những thông tin bổ sung để mở rộng câu trả lời của mình.

Việc áp dụng cấu trúc trên sẽ khiến phần trả lời của thí sinh có bố cục hơn và giúp thí sinh có mạch ý tưởng nhất định chứ không phải nghĩ gì nói đó. Đồng thời, giám khảo cũng sẽ dễ dàng hiểu được ý tưởng của thí sinh. Cấu trúc trên cũng sẽ làm câu trả lời của thí sinh được mở rộng một cách tự nhiên.

Có rất nhiều cách để thí sinh có thể mở rộng câu trả lời thông qua các thông tin bổ sung, dưới đây sẽ là một vài đề xuất để thí sinh có thể triển khai thêm ý tưởng trong phần thi này.

Áp dụng phương pháp 5W1H

Trong đó, phương pháp 5W1H là được viết tắt cho những từ để hỏi trong tiếng Anh: What, When, Where, Why, Who và How. Việc mở rộng thông tin sẽ phải thông qua việc trả lời những câu hỏi của những từ trên.

  • What (Cái gì): giúp xác định, mô tả được vấn đề hoặc tình huống muốn nói đến. Các câu hỏi minh họa cho câu hỏi What có thể bao gồm:

– What is the problem/situation/…? (Vấn đề/tình huống/… là gì?)

– What does the problem/situation/… include? (Vấn đề/tình huống/… bao gồm những gì?)

  • When (Khi nào): đề cập đến thời gian xảy ra vấn đề hoặc tình huống. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi When có thể bao gồm:

– When did the problem/situation/… happen? (Vấn đề/ tình huống/… xảy ra khi nào?)

  • Where (Ở đâu): xác định thêm về địa điểm. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi Where có thể bao gồm:

– Where did the problem/situation/… happen? (Vấn đề/ tình huống/… xảy ra ở đâu?)

  • Who (Ai): xác định những người có thể có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề, tình huống mà thí sinh đang nói tới. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi Who có thể bao gồm:

– Who was involved in the problem/situation/…? (Ai có liên quan tới vấn đề/tình huống/… ?)

– Who was affected by the problem/situation/…? (Ai bị ảnh hưởng bởi vấn đề/tình huống/… này?)

  • Why (Tại sao): xác định được những vấn đề sâu hơn như nguyên nhân vì sao vấn đề lại xảy ra, động cơ hoặc sự biện minh cho lý do đằng sau của vấn đề. Câu hỏi có thể bao gồm:

– Why did the problem/situation/… happen? (Tại sao vấn đề/tình huống/… xảy ra?)

– Why did the problem/situation/… happen like this? (Tại sao vấn đề/tình huống/… diễn ra như vậy?)

  • How (Như thế nào): xác định vấn đề diễn ra như thế nào.Câu hỏi có thể bao gồm:

– How did the problem/situation/… happen? (Vấn đề/tình huống/… diễn ra như thế nào?)

Thí sinh có thể chọn 1-2 câu hỏi dựa trên phương pháp 5W1H trên sao cho phù hợp với ý tưởng và câu trả lời trực tiếp trước đó, không cần phải gượng ép các ý diễn đạt phải theo thứ tự của câu hỏi hoặc đáp ứng đủ tất cả các câu hỏi trong công thức.

Ví dụ: Câu hỏi “Do you enjoy going to the gym?”

Direct Answer: Yes, I really enjoy it.

Additional information: Áp dụng công thức 5W1H, thí sinh có thể chọn các câu hỏi phù hợp để mở rộng câu trả lời.

  • (What) My favorite activities at the gym are weightlifting and cardio because they help me feel stronger and more energized.
  • (Why) I started going to the gym regularly because I wanted to improve my fitness and maintain a healthy lifestyle.

Câu trả lời đầy đủ sẽ là:

“Yes, I really enjoy going to the gym. My favorite activities are weightlifting and cardio because they help me feel stronger and more energized. I started going regularly because I wanted to improve my fitness and maintain a healthy lifestyle.”

(Dịch: Đúng vậy, tôi rất thích đến phòng gym. Hoạt động yêu thích của tôi là tập tạ và tập cardio vì chúng giúp tôi cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Tôi bắt đầu đi thường xuyên vì muốn cải thiện thể lực và duy trì lối sống lành mạnh.)

Nêu cảm nghĩ và đưa ra cảm xúc cá nhân

Một cách khác để thí sinh có thể triển khai thêm ý trong phần trả lời IELTS Speaking Part 1 của mình là nêu cảm nghĩ và đưa ra cảm xúc của bản thân. Sau khi đưa ra cảm xúc về sự vật, sự việc hoặc đối tượng được hỏi, thí sinh có thể giải thích rõ hơn tại sao bản thân lại có cảm xúc, suy nghĩ đó.

Ví dụ: Câu hỏi “What is your favorite type of weather?”

Direct Answer: I absolutely love rainy weather.

Additional information: Triển khai thêm ý tưởng qua việc đưa ra cảm xúc cá nhân và lời giải thích.

  • Nêu cảm xúc, suy nghĩ cá nhân: I find rainy days incredibly calming and peaceful.
  • Giải thích vì sao thí sinh có cảm xúc đó: The sound of raindrops falling is very soothing to me, and I enjoy curling up with a good book or watching movies at home. The cool, refreshing air after the rain also feels amazing.

Câu trả lời đầy đủ sẽ là:

“I absolutely love rainy weather. I find rainy days incredibly calming and peaceful. The sound of raindrops falling is very soothing to me, and I enjoy curling up with a good book or watching movies at home. The cool, refreshing air after the rain also feels amazing.”

(Dịch: Tôi rất thích thời tiết mưa. Tôi cảm thấy những ngày mưa vô cùng yên bình và thư giãn. Âm thanh của những giọt mưa rơi xuống mang lại cảm giác dễ chịu, và tôi thích cuộn mình với một cuốn sách hay hoặc xem phim tại nhà. Không khí mát mẻ, tươi mới sau cơn mưa cũng thật tuyệt vời.)

Đưa ra ví dụ thực tế

Một cách khác để giúp thí sinh có thể triển khai thêm thông tin ở IELTS Speaking Part 1 là đưa ra ví dụ thực tế. Việc đưa ví dụ thực tế không chỉ giúp ý tưởng của thí sinh được mở rộng mà còn là cách hữu hiệu để nói về một chủ đề mà không bị lạc đề.

Ví dụ: Câu hỏi “Do you like watching TV shows?”

Direct Answer: Not really, because I find most of them a bit boring.

Additional information: Đưa ra ví dụ thực tế về nội dung các chương trình TV hiện nay.

  • Most TV shows focus heavily on drama and unrealistic plot twists, and they rarely cover educational or thought-provoking topics like history or science, which I’m more interested in.

Câu trả lời đầy đủ sẽ là:

“Not really, because I find most of them a bit boring. Most TV shows focus heavily on drama and unrealistic plot twists, and they rarely cover educational or thought-provoking topics like history or science, which I’m more interested in.”

(Dịch: Không hẳn, vì tôi thấy hầu hết các chương trình khá nhàm chán. Ví dụ, phần lớn chương trình truyền hình tập trung vào kịch tính và những tình tiết không thực tế, mà ít khi đề cập đến các chủ đề mang tính giáo dục hoặc gợi mở như lịch sử hay khoa học, những thứ mà tôi quan tâm hơn.)

Đưa ra thông tin trong quá khứ hoặc tương lai

Ngoài ra, thí sinh cũng có thể đưa ra những thông tin về quá khứ hoặc tương lai để có thể so sánh với thời điểm hiện tại hoặc làm rõ thêm ý đã diễn đạt. Đây cũng là một cách hiệu quả để thí sinh vừa có thể triển khai ý tưởng vừa đảm bảo không bị lạc đề.

Ví dụ: Câu hỏi “Do you enjoy cooking?”

Direct Answer: Absolutely, I love it!

Additional information: Đưa ra thông tin về quá khứ và so sánh với hiện tại.

  • Thông tin ở quá khứ: When I was younger, I only helped with small tasks in the kitchen, but I always enjoyed the process of preparing ingredients and watching my mom cook.
  • So sánh với hiện tại: Now, cooking has become a way for me to relax and experiment with new recipes. I love how I can be creative with ingredients and flavors, and it’s so satisfying to prepare a meal from scratch.

Câu trả lời đầy đủ sẽ là:

“Absolutely, I love it! When I was younger, I only helped with small tasks in the kitchen, but I always enjoyed the process of preparing ingredients and watching my mom cook. Now, cooking has become a way for me to relax and experiment with new recipes. I love how I can be creative with ingredients and flavors, and it’s so satisfying to prepare a meal from scratch.”

(Dịch: Chắc chắn rồi, tôi rất thích nấu ăn! Khi còn nhỏ, tôi chỉ giúp các công việc nhỏ trong bếp, nhưng tôi luôn thích thú với việc chuẩn bị nguyên liệu và xem mẹ tôi nấu ăn. Giờ đây, nấu ăn đã trở thành cách giúp tôi thư giãn và thử nghiệm các công thức mới. Tôi thích sự sáng tạo với các nguyên liệu và hương vị, và cảm giác thật thỏa mãn khi có thể tự nấu một bữa ăn từ đầu.)

Tóm lại

Bài viết trên đã giới thiệu 4 cách để thí sinh có thể mở rộng câu trả lời IELTS Speaking Part 1. Việc bỏ túi các cách triển khai ý tưởng bổ sung vừa nêu trên sẽ giúp thí sinh dễ dàng hơn trong việc mở rộng câu trả lời một cách tự nhiên vừa có một bố cục nhất định.

Thí sinh hoàn toàn có thể kết hợp linh động giữa các cách triển khai ý tưởng trên để có thể điễn đạt câu trả lời của mình. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể áp dụng các cách trên trong các cuộc đối thoại hằng ngày bằng tiếng Anh để làm rõ ý kiến cá nhân.

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút, các bạn có thể tham khảo một số tips học tại đây.